Hợp tác về lĩnh vực công tác dân tộc: Vun đắp thêm mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào

04:30 PM 08/01/2021 |   Lượt xem: 1530 |   In bài viết | 

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chào xã giao Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou, trong chuyến thăm và làm việc tại Lào (tháng 4/2018)

Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết, những kết quả đạt được trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác dân tộc giữa Việt Nam - Lào thời gian qua?

Nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng đã qua, chúng ta rất đỗi tự hào về quá trình hình thành và phát triển của mối quan hệ đặc biệt, hiếm có giữa hai nước Việt Nam - Lào. Thời gian qua, hai nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ, chia sẻ, hợp tác chí nghĩa, chí tình trên tất cả các lĩnh vực. Lãnh đạo hai Ðảng, hai Nhà nước đã khẳng định, sẽ cùng nhau tiếp tục phấn đấu thực hiện có kết quả các thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai Ðảng, hai nước đã thống nhất; các bộ, các ngành, các địa phương và các đoàn thể xã hội của hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào.

Cùng dựa lưng vào dãy núi Trường Sơn, với biên giới hơn 2300km, trải dài qua 10 tỉnh ở mỗi nước, Việt Nam - Lào có nhiều nét tương đồng về văn hóa của cộng đồng nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế về công tác dân tộc Việt Nam - Lào để trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Trong đó, có sự hợp tác chặt chẽ, đặc biệt, toàn diện giữa Ủy ban Dân tộc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Bộ Nội vụ của Lào.

Thời gian qua, ngoài việc thường xuyên trao đổi đoàn, hai bên đã phối hợp tuyên truyền vận động cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) ở các tỉnh biên giới của hai nước tiếp tục nhận thức sâu sắc về mối quan hệ đặc biệt giữa hai đất nước; thông tin tuyên truyền rộng rãi về các chương trình, hoạt động hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào, chính sách dân tộc và bài học kinh nghiệm về giảm nghèo, phát triển kinh tế của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở hai bên biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển vì lợi ích của Nhân dân và sự phát triển của mỗi nước.

Tháng 4/2018, tôi đã có chuyến thăm và làm việc tại Lào. Đây là chuyến thăm Lào đầu tiên của tôi trên cương vị là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Chúng tôi đã cụ thể hóa cam kết các nội dung trong Thỏa thuận hợp tác giữa cơ quan làm công tác dân tộc của hai nước. Hai bên thống nhất tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác theo hướng cụ thể và thực chất hơn; cùng nhau tập trung giải quyết các vấn đề hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm giảm nghèo, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Sau chuyến thăm Lào, Ủy ban Dân tộc đã triển khai một số công việc để cụ thể hóa cam kết. Sự kiện Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm công tác dân tộc; chương trình giao lưu Nhân dân giữa đại biểu DTTS, Người có uy tín sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào tại tỉnh Nghệ An (từ ngày 05-07/12/2019) là một trong nhiều việc minh chứng sống động cho sự hợp tác này. Sự kiện này góp phấn tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước ngày càng bền chặt.

Có thể khẳng định, hợp tác trong lĩnh vực công tác dân tộc giữa hai nước Việt Nam - Lào đã và đang đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, thực chất hơn. Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục cụ thể hóa nội dung hợp tác, thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm?

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, theo đó Chính phủ sẽ xây dựng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Sự kiện này đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Việt Nam. Chương trình Mục tiêu quốc gia bao gồm 10 dự án thành phần, bao phủ hết các mặt của đời sống xã hội.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nước bạn Lào để hỗ trợ kỹ thuật; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác đi vào chiều sâu, thiết thực hơn. Ngoài việc tổ chức các đoàn sang thăm, học tập, trao đổi lẫn nhau, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục thực hiện chương trình bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ của các bạn Lào. Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác phối hợp nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học về chính sách dân tộc. Đồng thời, tổ chức các hội thảo và thăm quan thực địa cho cán bộ cấp cao và cán bộ của Lào trong xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS của Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về chính sách dân tộc và DTTS của Lào cũng như việc ứng dụng kết nối hỗ trợ khởi nghiệp dựa vào tiềm năng của đồng bào DTTS. Đặc biệt, tăng cường các hoạt động giao lưu Nhân dân, giao lưu giữa đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức DTTS… khu vực biên giới giữa hai nước.

Thực tế cho thấy, một trong những hoạt động hợp tác về lĩnh vực công tác dân tộc giữa Việt Nam và Lào được Ủy ban Dân tộc rất quan tâm là tăng cường giao lưu giữa các dân tộc sinh sống dọc biên giới. Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết ý nghĩa của hoạt động này?

Cộng đồng các dân tộc sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào là một trong các chủ thể trong mối quan hệ thân thiết, gắn bó với nhau của hai quốc gia. Mối quan hệ đặc biệt, có một không hai đó, bắt nguồn từ sự gần gũi về địa lý, là sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mối quan hệ đặc biệt ấy được hai nước không ngừng vun đắp, trở thành biểu tượng mẫu mực, thủy chung, trong sáng, vững bền, hiếm có trong quan hệ quốc tế.

Việc tăng cường giao lưu giữa các dân tộc sinh sống dọc biên giới Việt Nam - Lào là hoạt động thiết thực, ý nghĩa góp phần tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, cùng nhau phát triển kinh tế; xây dựng cuộc sống ấm no, biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân hai nước.

Chúng ta khẳng định một lần nữa rằng, tình hữu nghị hai nước Việt Nam - Lào anh em luôn thuỷ chung, son sắt; được xây dựng từ lâu đời, trải qua nhiều gian nan, thử thách; được xây dựng bằng ý chí, sức mạnh của hai dân tộc, bằng niềm tin của hàng trăm triệu trái tim yêu nước, chí lý, chí tình của người dân Việt Nam - Lào; máu xương của hai dân tộc đã đổ xuống để giành độc lập dân tộc, cùng nhau bảo vệ và dựng xây non sông gấm vóc của hai nước ngày càng giàu đẹp. Ủy ban Dân tộc sẽ luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt với Lào, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm!

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập hiện tại: 0

Tổng số truy cập: 100