Giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú vùng biên giới

09:02 AM 11/01/2021 |   Lượt xem: 535 |   In bài viết | 

Hội nghị thống nhất giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào giữa hai tỉnh Nghệ An và Bôlykhămxay (Lào)

Khu vực biên giới đất liền tỉnh Nghệ An gồm có 27 xã biên giới thuộc 6 huyện: Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn và Thanh Chương, trên địa bàn các xã biên giới có 6 dân tộc sinh sống gồm: Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Đan Lai, Tày, Pọong. Các xã biên giới chủ yếu là các địa bàn thuộc diện vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, kinh tế, xã hội phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 60% theo chuẩn mới), nhân dân các dân tộc trên địa bàn có mối quan hệ thân tộc, dân tộc, dòng họ 2 bên biên giới rất lâu đời và khăng khít (gắn kết thân thiết).

Hội nghị thống nhất giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào giữa hai tỉnh Nghệ An và Bôlykhămxay (Lào) được tổ chức tại thành phố Vinh ngày 15/8/2019 đã chỉ ra rõ: Trong những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi, nhất là đối với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới, tuy nhiên do trình độ dân trí, nhận thức của bà con nhân dân còn nhiều hạn chế, thu nhập không ổn định, đời sống còn gặp nhiều khó khăn; mặt khác, bà con trong khu vực biên giới còn mang nặng một số hủ tục, tập quán lạc hậu, hoặc do mâu thuẫn trong gia đình, dòng họ và dân tộc, nên một bộ phận người dân, chủ yếu là (người Mông) đã vượt biên di cư sang Lào để kết hôn và sinh sống hoặc làm thủ tục xin xuất cảnh sang Lào rồi ở lại cư trú bất hợp pháp.

Khi có Thỏa thuận về giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào, được Chính phủ hai bên ký kết ngày 08/7/2013 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An (Việt Nam), Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nội dung, chương trình, lộ trình của Thỏa thuận, đồng thời tăng cường công tác phòng, chống di cư tự do và kết hôn trong vùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, Tổ chuyên viên liên hợp (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm tổ trưởng), xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Thỏa thuận. Tổ chuyên viên liên hợp đã phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập đoàn công tác trực tiếp sang làm việc với lãnh đạo chính quyền và Tổ chuyên viên liên hợp của 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay để thống nhất phương pháp, thời gian, lộ trình thực hiện Thỏa thuận.

Sau đó, Tổ chuyên viên liên hợp tỉnh Nghệ An và các tỉnh có chung đường biên giới đã tiến hành thống kê, điều tra, xác minh, phân loại, lập danh sách người di cư tự do được phép, không được phép cư trú, người kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của mỗi Bên trình lãnh đạo các cấp tỉnh xem xét, và đề nghị Ủy ban Biên giới quốc gia hai nước phê duyệt.

Mặc dù quá trình triển khai hai Bên gặp những khó khăn nhất định, nhất là về địa hình, phong tục tập quán..., nhưng với sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Tổ chuyên viên liên hợp hai Bên, sự đồng tình ủng hộ của chính quyền các cấp và nhân dân trong vùng biên giới hai nước nên việc thực hiện các nội dung Thỏa thuận của tỉnh Nghệ An với 3 tỉnh có chung đường biên giới đến nay cơ bản đã hoàn thành.

Hai Bên đã khảo sát, thống kê và nhất trí cho phép 202 công dân Lào kết hôn không giá thú được ở lại Việt Nam (tỉnh Nghệ An) cư trú và 4.772 công dân Việt Nam di cư tự do và kết hôn không giá thú được phép cư trú tại 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay; đã công bố nhập quốc tịch Việt Nam cho 137 người Lào và đang làm hồ sơ nhập quốc tịch cho 34 người Lào và những người còn lại theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn kịp thời tình trạng di cư trái phép trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động di cư trái pháp luật của đồng bào Mông khu vực biên giới Tây Nghệ An giai đoạn 2010 - 2015 và những năm tiếp theo”; Đề án “Phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động truyền đạo Tin lành trái pháp luật ở khu vực biên giới Tây Nghệ An giai đoạn 2010 - 2015 và những năm tiếp theo”, cùng với đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của bạn (Lào) triển khai các hoạt động, các biện pháp ngăn chặn các hoạt động di cư trái phép xảy ra trong khu vực biên giới 2 nước, đặc biệt đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Xiêng Khoảng tiến hành diễn tập ngăn chặn người di cư trái phép trong khu vực biên giới đạt kết quả cao.

Để giúp người dân khu vực biên giới ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Chỉ đạo các đơn vị tăng cường tham mưu, phối hợp với chính quyền, địa phương trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc trong công tác vận động nhân dân trong khu vực biên giới không di cư tự do. Do vậy, công tác phòng, chống di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, tình trạng này tuy chưa chấm dứt nhưng đã giảm rõ rệt.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Số lượt truy cập hiện tại: 0

Tổng số truy cập: 100